Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Cách trồng lan hồ điệp bằng cây giống nuôi cấy mô


Ngày nay việc trồng hoa lan hồ điệp bằng cây giống được nhân từ phương pháp nuôi cấy mô đã trở nên phổ biến vì chúng có nhiều ưu điểm như: cây giống hoàn toàn sạch bệnh, giá rẻ, độ đồng đều cao nên thuận lợi cho việc chăm sóc và cho ra hoa đồng loạt theo yêu cầu của thị trường. Cây giống nuôi cấy mô khỏe mạnh, sinh trưởng nhanh, sớm ra hoa (chỉ từ 8-9 tháng sau trồng); mật độ hoa dày (TB 25-30 bông/cành); màu sắc và đường kính hoa ổn định qua các thời kỳ; khả năng đề kháng tốt… Bạn mới bắt đầu trồng hoa, nên đến các cơ sở nhân giống có uy tín để mua cây giống, các vật tư cần thiết và được cung cấp qui trình, tư vấn kỹ thuật để có thể đảm bảo thành công.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc:

- Chuẩn bị chậu trồng và giá thể: Chọn chậu không sâu, nhỏ, màu trắng hoặc trong suốt thì thuận lợi hơn cho bộ rễ phát triển. Tùy theo giai đoạn và tuổi cây mà thay dần các chậu lớn hơn cho phù hợp. Giá thể bao gồm các vật liệu tơi xốp, thoáng khí nhưng có khả năng giữ nước tốt như than bùn khô, hạt đá nhỏ, rêu, quyết, xơ dừa đã được xử lý tanin và mầm bệnh.

- Vào chậu: Phân cấp cây và chậu để trồng cho thích hợp: Cây đặc cấp (khoảng cách giữa 2 lá >5cm) trồng vào chậu có đường kính 7cm; cây cấp 1 (khoảng cách 2 lá từ 3-5cm) trồng vào chậu có đường kính 5cm; cây cấp 2 (khoảng cách 1,2-3cm) trồng vào các khay ươm cây con. Dùng các sợi xơ dừa mảnh để quấn quanh rễ cây lan (chú ý để hở phần cổ rễ) một vài lớp bằng quả trứng gà rồi xếp vào chậu.

- Chăm sóc: Giữ nhiệt độ khoảng 23oC, không được thấp hơn 20oC, hệ thống thông gió hoạt động tốt. Chế độ ánh sáng giai đoạn đầu như sau: mùa hè che bớt 80-90% ánh sáng thường, mùa đông từ 60-70%. Sau trồng 1 tháng bón thêm phân NPK tỷ lệ 30-10-10 pha nồng độ 30-40mg/lít nước phun 7 ngày/lần. Thay chậu lần 1 sau trồng 4-6 tháng khi khoảng cách giữa 2 lá khoảng 12cm bằng chậu có đường kính 8,3cm bằng cách bỏ giá thể cũ thay giá thể mới. Dưới đáy chậu có lót xốp để tránh đọng nước.

Chú ý phun thuốc diệt khuẩn sau khi thay chậu và trong 3-5 ngày đầu không cần tưới nước nhưng vẫn giữ đủ độ ẩm cho cây. Sau 10 ngày tưới nước và tiếp tục chăm sóc bình thường cho đến khi cây có trên 4 lá khỏe mạnh mới có khả năng phân hóa mầm hoa. Phun NPK 30-10-10 pha nồng độ 40mg/lít; ngoài ra có thể bổ sung thêm các loại phân hữu cơ khác như Komix. Thay chậu lần 2 sau trồng từ 16-20 tháng, khoảng cách giữa 2 lá đạt khoảng 18cm bằng chậu có đường kính 12cm. Dùng kéo cắt bớt các rễ già, vệ sinh sạch sẽ và trồng lại như lần 1.

Chế độ ánh sáng giai đoạn này như sau: mùa hè giảm từ 60-70%, mùa đông giảm 40-50%, nhiệt độ 28-30oC, ẩm độ 70-85%. Sau chuyển chậu lần 2 khoảng 5-6 tháng, cây có trên 4 lá là chuẩn bị ra hoa. Trong thời gian này cần duy trì nhiệt độ thấp từ 18-25oC hoặc nhiệt độ chênh lệch ngày đêm từ 8-10oC. Lan hồ điệp có hoa liên tục do đó xử lý nhiệt độ thấp càng dài thì hoa càng nhiều, khoảng cách giữa các hoa trên cành càng ngắn. Nhiệt độ >25oC không thể phân hóa mầm hoa, thấp <15oC thì không ra nụ, ra hoa.

Khi thấy cây nhú hoa tưới phân NPK 6-30-30 pha nồng độ 2g/lít nước, phun 7-10 ngày/lần để cho hoa mập hơn, màu sắc đẹp hơn, tươi lâu hơn. Trước khi xuất bán 1-2 tháng nên để hoa nơi thoáng mát, nhiệt độ thích hợp 20-25oC, ánh sáng che bớt 70% thì hoa sẽ tươi hơn, bền hơn. Khi cây nở hoa không nên tưới nước hoặc dinh dưỡng lên hoa dễ làm hoa bị úng hoặc cháy. Khi hoa nở gần tàn nên cắt ngay cành và tưới NPK 30-10-10 để dưỡng cây cho trà hoa sau.

Báo Nông nghiệp

pH ảnh hưởng đến môi trường đông đặc của agar

không phải cứ cho agar nhiều là môi trường đông đặc, trước khi làm thí nghiệm, bạn cần biết một số thông tin về mối quan hệ giữa pH và chất kết đông, cũng như với một số thành phần khác của môi trường nuôi cấy. 
Agar là một sản phẩm tự nhiên được ly trích từ các loại tảo đỏ Rhodophycean, như Gelidium, Gracillaria và Pterocladia. Agar là phức hợp của các polysaccharide được tạo từ đường và galactose. Agar gồm 2 phân đoạn: agarose và agaropectin. Agarose là một polymer trung tính, tạo nên tính đông của agar. Agaropectin là một polymer tích điện âm, làm cho agar có tính nhầy. Phân đoạn agarose trong agar chiếm 50 – 90% (Adrian & Assoumani, 1983). Khi agar được trộn chung với nước thì tạo ra dạng gel, tan ra ở nhiệt độ 60 – 100oC và đặc lại khi nhiệt độ xuống dưới 45oC. Từ đây, chúng ta có thể lý giải: pH càng thấp thì nồng độ H+ càng cao, agar chuyển sang trạng thái nhầy (không đông), pH càng cao thì nồng độ H+ càng bị trung hòa nhiều khiến agar cứng (hay còn gọi là trạng thái gel). 

Độ pH môi trường được đo dựa vào nồng độ in H+ trong môi trường. Độ pH biến thiên từ 0 – 14 và có điểm trung tính là 7. Độ pH môi trường cấy được điều chỉnh hầu hết ở 5,7 ± 1 trước khi hấp khử trùng. Độ pH ảnh hưởng đến khả năng hòa tan của các ion trong môi trường khoáng, khả năng đông tụ agar và sự tăng trưởng của tế bào. Murashige & Skoog đã chứng minh bằng thực nghiệm rằng độ pH 5,7 – 5,8 thích hợp để duy trì sự hòa tan các chất khoáng trong môi trường MS, pH dưới 5,5 làm cho agar khó chuyển sang trạng thái gel, còn pH lớn hơn 6,0 agar có thể rất cứng. 

Nếu trong thành phần môi trường có GA3 thì phải điều chỉnh giá trị pH trong phạm vi nói trên. Vì ở pH kiềm hoặc quá axit, GA3 sẽ chuyển sang dạng không có hoạt tính (Van Braft & Pierk, 1971). 

Trong quá trình nuôi cấy, pH của môi trường có thể giảm xuống, do một số mẫu thực vật sản sinh ra các axit hữu cơ. Mặt khác, nhiệt độ cao sẽ làm tăng tính axit của môi trường nuôi cấy. Mann et al., 1982 nhận thấy rằng, nếu trước khi hấp tiệt trùng mà chỉnh pH bằng 5,7 thì sau khi hấp tiệt trùng, pH sẽ giảm xuống còn 5. Nếu muốn pH môi trường ở khoảng 5,7 – 5,9 trước khi cấy thì trước khi hấp khử trùng cần phải chỉnh pH đế khoảng 7. 

Đối với các nghiên cứu về nuôi cấy lỏng không có agar, chẳng hạn như nuôi cấy huyền phù tế bào, nuôi cấy thuỷ canh và vi thủy canh (hydroponics & microponic) trong môi trường không có agar nhưng tại sao chúng ta vẫn phải điều chỉnh pH môi trường? Như đã nói ở trên, Murashige & Skoog đã chứng minh bằng thực nghiệm rằng độ pH 5,7 – 5,8 thích hợp để duy trì sự hòa tan các chất khoáng trong môi trường MS. Nếu như môi trường MS được sử dụng ở dạng lỏng thì có thể chỉnh pH ở 5. Huyền phù tế bào đậu nành có thể tăng trưởng tốt nhất trong môi trường B5 lỏng ở pH 4,5 – 5,5. Nếu như chỉnh độ pH môi trường trên 5 thì trọng lượng khô của tế bào sẽ giảm xuống đáng kể. Hơn nữa, môi trường nuôi cấy huyền phù tế bào có pH thấp phần nào giảm bớt được trình trạng nhiểm vi sinh vật lạ (Veliky & Martin, 1970). Các môi trường nuôi cấy thủy canh phổ biến cũng sử dụng môi trường MS hoặc ½ MS.
Văn Cương (Theo Sinh học Việt Nam)

Qui trình nhân giống cây Cát Tường In Vitro

Qui trình xử lý hạt Cát Tường in vitro





Quy trình nhân giống cây Cát Tường in vitro hoàn chỉnh

Quy trình nhân giống hoa Lan bằng phương pháp nuôi cấy in-vitro


Lan là loại hoa vương giả, với vẻ đẹp vương giả, quý phái nên khắp nơi trên thế giới ngày càng có nhiều người thích chơi hoa Lan. Chính vì vậy, hoa Lan là sản phẩm trồng trọt luôn có giá trị kinh tế cao. Bắt kịp thị hiếu này, ngày nay đã xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh hoa Lan với nhiều chủng loại, giá cả khác nhau. Do đó, việc nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô in-vitro tạo ra hàng loạt cây con ổn định về mặt di truyền và đáp ứng giá cả phải chăng là vô cùng hữu ích. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu quy trình cơ bản nhân giống Lan bằng phương pháp nuôi cấy mô in-vitro:

Quy trình trên được tiến hành qua các giai đoạn sau:
1. Chọn mẫu và khử trùng mẫu cấy:
Tách các vảy hành ra từ cây, bóc lần các lá già cho đến khi xuất hiện các mầm chồi bên mang đỉnh sinh trưởng. Cắt bỏ gốc của mỗi mầm, sau đó khử trùng bằng cách ngâm trong cồn 70% trong 30 giây, rửa sạch bằng nước cất vô trùng ngâm trong dung dịch Ca(OCl)2 2% trong 25 phút, việc khử trùng được tiến hành trong tủ cấy. Mô được rửa lại với nước cất vô trùng 4 - 5 lần.
Mỗi mầm được đặt trong đĩa petri vô trùng và cẩn thận tách các lá non. Sau mỗi lần tách, nhúng mầm vào cồn 700trong 1 giây và rửa với nước cất vô trùng. Chuyển sang một đĩa petri vô trùng khác, tách các lá mầm bằng dao nhọn vô trùng. Dùng kìm nhọn tách các lớp lá, cắt đỉnh sinh trưởng ra khỏi mô và cấy vào môi trường nhân giống ban đầu.
2. Nhân giống:
Môi trường nhân giống thường là môi trường MS (Murashige Skoog, 1962) có bổ sung các chất điều hoà tăng trưởng (auxin, cytokinin,…) với tỷ lệ phù hợp tùy loài nhằm tạo điều kiện cho quá trình nhân chồi. Nồng độ các chất điều hoà sinh trưởng nên giảm dần trong các lần cấy chuyền sau đó.Các chất chiết trái cây cũng được đề nghị dùng như nước cốt cà chua, nước dừa, nước chuối, nước khoai tây... nhưng chúng chỉ có hiệu quả trong các lần cấy chuyền và thể tích cũng không quá 10% thể tích môi trường.
Nhiệt độ lý tưởng để nhân giống Lan là 220C - 260C và tuỳ vào mỗi loài.
Sau 4-8 tuần, đỉnh sinh trưởng chuyển sang màu xanh lục và tạo ra các khối tròn gọi là thể chồi. Thể chồi được lấy ra khỏi môi trường cấy ban đầu, dùng dao nhọn cắt làm 4-6 miếng tuỳ kích thước của chồi. Lát cắt được chuyển vào môi trường duy trì (môi trường phát triển chồi). Mỗi đỉnh sinh trưởng sẽ phát triển ra một thể chồi mới sau khoảng 4 tuần, có thể cắt tiếp và cấy chuyền sang môi trường mới.
3. Tái sinh cây hoàn chỉnh in-vitro:
Khi đạt đến số cây giống cần thiết, ta chuyển thể chồi sang môi trường tạo rễ (môi trường có lượng auxin tăng lên để kích thích ra rễ). Sau 4 -5 tháng, các thể chồi sẽ phát triển thành cây con.
4. Chuyển cây ra vườn ươm:
Cây con cao 5-7 cm và có từ 3-4 lá có thể chuyển sang cấy vào bầu đất mùn vô trùng có bổ sung các chất dinh dưỡng. Sau một thời gian cây phát triển ổn định ta đem chuyển vào chậu. Sau khi chuyển chậu khoảng một tuần mới được bón phân, lúc này cây đã có đủ sức chống chọi với bệnh tật.
Như vậy, từ một mô hoa Lan được chọn nuôi cấy cho đến ra cây con có 3-4 lá chuyển ra vườn trồng mất thời gian khoảng từ 8 đến 11 tháng.
Với phương pháp nhân giống vô tính như trên sẽ đảm bảo tạo ra cây con mang đặc tính giống hoàn toàn với cây cha mẹ (cây con ổn định về mặt di truyền), cây con không nhiễm bệnh và tạo được một số lượng lớn cây con trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc cấy mô phải được thực hiện thật nghiêm túc và tỉ mỉ theo đúng quy trình, phải có điều kiện về trang thiết bị đầy đủ, môi trường nhân tạo thích hợp, đặc biệt là điều kiện vô trùng phải được đảm bảo nghiêm ngặt. Cần chú ý thêm, đối với các loài không phải là cây bản địa, phải được thuần hoá tại vùng mới chọn mẫu đem nuôi cấy, có như vậy mới đảm bảo hiệu quả từ khâu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đến trồng ngoài vườn ươm.

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Vườn hoa trong chai












ĐỊA CHỈ: 575/11B CMT8, F15, Q10 (gần chợ Hoà Hưng) xem trực tiếp sản phẩm . Có nhiều mẫu lắm nhìn ở ngoài đẹp hơn trong hình nhiều !!!
Điện thoại: 0917 320 379 – 0902 646 734 Mr.Nam, YH: lenam309